Ứng dụng đổi mới công nghệ theo chuỗi giá trị trong xây dựng thương hiệu bò Mông tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Ngày 23 tháng 04 năm 2017, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học – công nghệ (NATEC) phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) tổ chức Hội thảo “Phát triển bò Mông thành hàng hóa theo chuỗi giá trị tại các tỉnh miền núi phía Bắc”. Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp nhận ý kiến của những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi, với mục đích chọn và tạo được đàn bò Mông giống hạt nhân (đực và cái) phục vụ bảo tồn nguồn gen quý và phát triển thành thương hiệu bò thịt chất lượng cao để sản xuất hàng hóa đặc trưng.

Tới dự hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Trần Văn Tùng – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); bà Đỗ Thị Minh Hoa – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn; cùng đại diện sở KH&CN, sở Nông nghiệp các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, các nhà khoa học đại diện cho các trường đại học (ĐH Nông lâm Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh…), các viện nghiên cứu trên cả nước.

Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Cường (NATEC) đại diện cho đơn vị chủ quản dự án, đã cho thấy nhu cầu thực tiễn phát triển bò thịt chất lượng cao mang thương hiệu “bò Việt Nam” và tầm quan trọng “Ứng dụng đổi mới công nghệ theo chuỗi” đối với sự thành công của dự án. Cụ thể hoá định hướng về khoa học công nghệ trong phát triển thương hiệu bò Mông, TS. Sử Thanh Long –VNUA đã nêu lên 04 vấn đề bao gồm quản lý giống, quản lý dinh dưỡng, quản lý thú y – sinh sản và quản lý thương hiệu, để cùng thảo luận với các nhà khoa học.

Đối với vấn đề quản lý thương hiệu, ThS. Hoàng Xuân Trường (Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hệ thống Nông nghiệp) đã cho thấy những ưu điểm của đàn bò Mông như thể trọng lớn, khả năng chống chịu bệnh tốt và tiềm năng phát triển chuỗi giá trị bò Mông.

Trong vấn đề quản lý giống, TS. Phạm Văn Giới (Viện chăn nuôi) đã nêu lên hai hướng phát triển giống, một là chọn lọc phát triển đàn bò Mông hạt nhân, hai là lai tạo giống bò Mông với các giống bò thịt chất lượng cao, để tạo ra một giống bò mới mang đặc tính nổi trội.

Về khía cạnh dinh dưỡng cho đàn bò, GS. Vũ Chí Cương đã đưa ra giải pháp đồng bộ, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương kết hợp các công thức phối trộn thức ăn tiên tiến để vỗ béo đàn bò.

Bên cạnh đó, TS. Tống Xuân Chinh (Cục chăn nuôi) kiến nghị tập trung vào ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi sản xuất thịt bò Mông, cùng với quy trình phòng trừ bệnh tổng hợp kết hợp nâng cao năng lực đội ngũ thú y địa phương do TS. Trịnh Đình Thâu (VNUA) đề xuất.

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng và bà Đỗ Thị Minh Hoa thể hiện nhiệt tâm đối với dự án phát triển thương hiệu bò Mông theo chuỗi giá trị để đem lại lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị-xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.