Thông tin hoạt động

Hơn ba thập kỷ song hành cùng sự phát triển của Thủ đô và đất nước, người trí thức Thăng Long đã khẳng định được bản lĩnh người trí thức thời đại Đoàn kết – Trí tuệ - Sáng tạo – Phát triển. Họ đã góp phần làm nên dòng tinh hoa văn hóa bất tận nơi trái tim cả nước!

Dưới mái nhà chung...

Tận tâm, tận lực, tận hiến, tri thức và phẩm chất ấy đã làm nên nhân cách người trí thức mọi thời đại. Hôm nay, trong hành trình phát triển của nền kinh tế tri thức đang cần lắm sự chung tay góp sức của những trí thức đã được thử thách trong thực tiễn cuộc sống... Gánh trên vai sứ mệnh đặc biệt, đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Thủ đô được tập hợp dưới mái nhà chung Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội ba mươi lăm năm qua đã không ngừng nỗ lực, phát huy vai trò của một tổ chức chính trị xã hội, vai trò của những trí thức trong công cuộc dựng xây và phát triển. Đội ngũ trí thức ấy trước hết là những nhà khoa học đã và đang hoạt động, nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, song đều chung sự tận tâm, tận hiến mang tri thức, mang tiếng nói của mình đóng góp cho sự lớn mạnh của Thủ đô và đất nước.

Cách đây hơn ba thập kỷ, trước thềm đổi mới, hơn ai hết, cả nước và Thủ đô rất cần một nguồn lực nội tại đủ mạnh để đương đầu với những khó khăn của mấy mươi năm chiến tranh kéo dài để lại. Nguồn lực ấy phải được tập hợp từ trong mọi giai tầng xã hội. Đồng lòng, đồng sức, đồng trí để cùng phát triển. Đại diện cho tri thức, cho tinh thần dấn thân, đội ngũ trí thức Thủ đô đứng trước yêu cầu cần được tập hợp, đoàn kết nhằm phát huy sức mạnh tập thể để cùng đóng góp vào những vấn đề lớn của Thủ đô và của đất nước.

Quyết định số 16/TCCQ ngày 6/1/1983 của UBND TP.Hà Nội đã đánh dấu bước ngoặt đối với đội ngũ những người làm khoa học công nghệ Thủ đô - Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội được thành lập đã trở thành Hội khoa học và kỹ thuật địa phương được thành lập sớm nhất trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (khóa IV) và Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóaVIII).

Vậy là, sau rất nhiều nỗ lực, sau những sự chuẩn bị chu đáo, những nhà khoa học, trí thức Hà Nội đã có một tổ chức của riêng mình. Để rồi từ mái nhà chung Liên hiệp Hội với con số khiêm tốn hơn một trăm hội viên ban đầu, Liên hiệp Hội đã không ngừng phát triển cả về chất và lượng.

Mười năm sau ngày ra đời, theo Quyết định số 591/QĐ-UB của UBND Thành phố, Hội được đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (gọi tắt là Liên hiệp Hội Hà Nội). Giữ tâm thế của những trí thức giữa mảnh đất ngàn năm văn hiến. Người trí thức đã không phụ lòng sự trông đợi, sự tin tưởng của Thành phố. Từ con số hội viên khiêm tốn của ngày đầu thành lập, đến nay Liên hiệp Hội Hà Nội đã có 23 Viện, Trung tâm, Câu lạc bộ khoa học và công nghệ trực thuộc; 39 Hội thành viên với tổng số khoảng hơn 50 nghìn hội viên là những cán bộ khoa học đã nghỉ hưu và một số vẫn đang công tác tại các cơ quan đơn vị của TP.Hà Nội và Trung ương, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành, có chuyên môn giỏi của nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Và lực lượng hùng hậu những nhà khoa học, những trí thức đó đã được thử thách trong cả một hành trình hơn ba thập kỷ. Có thể nói, mỗi đại hội là một nấc thang phát triển đánh dấu sự đi lên của Liên hiệp Hội; mỗi nhiệm kỳ là một thử thách trong nhiệm vụ mới, điều kiện, hoàn cảnh mới. Mỗi một kỳ Đại hội diễn ra đều phản ánh tinh thần người trí thức trong sự nhập tâm, nhập thân 5 vạn con người dưới mái nhà chung.

Mỗi một kỳ đại hội góp nên một chặng đường của cả một hành trình xây dựng và phát triển Liên hiệp Hội Hà Nội. Khó khăn và thuận lợi luôn song hành, Liên hiệp Hội Hà Nội đã trải qua 7 kỳ đại hội thành công và đang tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong nhiệm kỳ thứ 7.

Ở kỳ Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1982-1988), đã ghi dấu những năm tháng đầu tiên khai phá, tìm tòi phương thức hoạt động của một Hội KHKT địa phương. Hội đã bước đầu phát triển được 12 Hội thành viên. Trong giai đoạn này, Hội đã kết hợp với Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở GD&ĐT Thành phố thành lập các câu lạc bộ để tuyên truyền phổ biến kiến thức về KH&KT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kế hoạch hóa gia đình.

Cũng ở những năm này, Hội đã bước đầu có quan hệ hợp tác với Hội KH&KT Matxcova (Nga), Sophia (Bungari), Berlin (Đức). Những thắng lợi ở kỳ Đại hội lần thứ I đã tạo những tiền đề để Liên hiệp Hội thực hiện thành công Đại hội lần thứ II. Nhiệm kỳ 1988-1993 được coi là những năm tháng tích lũy kinh nghiệm, bước đầu đổi mới và mở rộng hoạt động, khẳng định vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội. Trong nhiệm kỳ, Hội đã triển khai mọi hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị 35/CT-TU của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 11 - CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc củng cố và phát triển Liên hiệp Hội Hà Nội. Trong nhiệm kỳ, Hội đã phát triển được nhiều hội thành viên mới, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức được mở rộng. Thời điểm này, nhiều cuộc hội thảo, triển lãm, các câu lạc bộ được Liên hiệp Hội duy trì, mở rộng. Đây cũng là những năm tháng nhiều biến động nhưngHội đã tập hợp, định hướng cho trí thức Thủ đô vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với Đảng bộ, Chính quyền Thành phố, thực hiện đường lối đổi mới đưa đất nước tiến lên, đưa Thủ đô phát triển.

Ở nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1993-1998), Liên hiệp Hội hoạt động đạt nhiều thành tích xuất sắc. Liên hiệp Hội đã phát triển thêm được 10 hội thành viên mới. Đây cũng là thời kỳ Liên hiệp Hội Hà Nội đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1997.

Những bài học, kinh nghiệm từ ba kỳ đại hội trước đã mang đến cho Liên hiệp Hội những chuẩn bị cần thiết để Liên hiệp Hội chủ động, tự tin bước vào kỳ Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 1998-2003). Một trong những hoạt động đổi mới nổi bật của Liên hiệp Hội thời kỳ này là đưa hoạt động KH&CN về cơ sở, đã thành lập Hội KH&KT phường Khương Mai (Q. Thanh Xuân). Quát triệt và thực hiện Chỉ thị 45-CT/TU của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Thông tri 25/TTr của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị 14/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quyết định 22/2003/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về chức năng tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các thành viên. Năm 2002, Liên hiệp Hội được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thành ủy Hà Nội trao tặng bức trướng mang dòng chữ: “Chúc Trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô: Đoàn kết - Sáng tạo - Vững mạnh”. Sáu chữ vàng mà Thủ đô trao tặng đã trở thành động lực để đội ngũ trí thức Hà Nội tiếp tục đoàn kết, sáng tạo đóng góp trí tuệ của mình cho Thủ đô.

Bước vào Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2003-2008). Liên hiệp Hội đã triển khia nhiều hoạt động phù hợp với thời cuộc, trước vận mệnh của Thủ đô, đất nước. Sự thành công của cả một nhiệm kỳ mang công sức, trí tuệ của tập thể hơn hợp với thời kỳ hội nhập của đất nước. Đây cũng là nhiệm kỳ đánh dấu sự kiện ngày 24/7/2007 Bí thư Thành ủy Hà Nội ký quyết định thành lập trở lại Đảng đoàn Liên hiệp Hội Hà Nội. Liên hiệp Hội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trên cơ sở thành tựu của gần 30 năm ra đời và phát triển, Liên hiệp Hội Hà Nội tiếp tục bước vào Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2009-2014) với phương châm: Đoàn kết - Trí tuệ - Phát triển vì sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô. Ngay sau Đại hội, Đảng đoàn Liên hiệp Hội đã được thành lập theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, do GS.TS Vũ Hoan làm Bí thư.

Được sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố và sự phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, trong nhiệm kỳ VI Liên hiệp Hội Hà Nội đã nêu cao được vị trí vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội, là ngôi nhà chung tập hợp được đông đảo sức mạnh của trí thức Thủ đô. Liên Hiệp hội Hà Nội đã bám sát các chương trình, Nghị quyết đại hội VI, gắn với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội Thủ đô hàng năm; luôn đổi mới phương thức hoạt động, chủ động sáng tạo, phối hợp chặt chẽ phát huy nguồn lực các Hội thành viên… Nhờ đó, các chương trình công tác của Liên hiệp Hội đề ra toàn khóa và hàng năm đều đã được thực hiện tốt, có hiệu quả, như: công tác củng cố tổ chức, công tác giáo dục tư tưởng chính trị; công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, công tác tư vấn giám sát phản biện xã hội, công tác nghiên cứu khoa học, tôn vinh trí thức, các giải thưởng khoa học công nghệ...

Hoạt động trong điều kiện cán bộ chuyên trách của Liên hiệp Hội còn hạn chế, song nhờ sự sáng suốt đã chọn đúng việc, huy động nguồn lực từ các Hội thành viên và biết liên kết chặt chẽ với các ban ngành Thành phố, các cơ sở nên các chương trình công tác Liên hiệp Hội đều đạt kết quả cao. Những đóng góp đó đã góp phần nâng cao được vị trí vai trò của Liên hiệp Hội trong hệ thống chính trị của Thành phố và trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam xứng đáng 6 chữ vàng Thành ủy trao tặng “Đoàn kết - trí tuệ - phát triển”.

Và hôm nay, trong dấu ấn 35 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội đang ở năm thứ hai của tinh thần Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020). Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội đã xác định đây sẽ là những năm có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức chung của cả nước và Thành phố do tác động, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, diễn biến chính trị phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới.

Vì vậy, quán triệt và nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Trung ương số 27-NQ/TW (Khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH” và Nghị quyết của Bộ Chính trị số 42-NQ/TW (Khóa X) và Chỉ thị số 22-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, bám sát phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thành phố, yêu cầu của thực tiễn hoạt động của Liên hiệp Hội để đề ra mục tiệu và phương hướng tổ chức, hoạt động và phát triển Liên hiệp Hội Hà Nội với các nội dụng trọng tâm:

Một là, nâng cao vị trí, vai trò của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố; tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trên địa bàn Thành phố góp phần tích cực thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; xây dựng Liên hiệp Hội trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Thủ đô; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc của trí thức Thủ đô, là chỗ dựa tin cậy của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố trong công tác trí vận và là tổ chức thành viên hoạt động tích cực của Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội.

Hai là, huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất và tinh thần, tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi để không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn diện của Liên hiệp Hội. Đặc biệt là, đẩy mạnh hoạt động xây dựng đội ngũ trí thức; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô và đất nước.

Ba là, Liên hiệp hội Hà Nội phấn đấu nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hoà và phối hợp hoạt động trong hệ thống; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng về khoa học và công nghệ cho hội viên. Liên hiệp Hội thực sự là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô, là cầu nối giữa Liên hiệp Hội, các hội thành viên với Đảng, Chính quyền và các Sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố.

Bốn là, từng bước xã hội hóa tiến tới sớm xây dựng đề án thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động hoa học và công nghệ để góp phần đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội lên một tầm phát triển mới.

Dưới mái nhà chung Liên hiệp Hội, người trí thức Thủ đô đã đi qua hơn 30 mươi mùa xuân có lẻ. Những mùa xuân của ân tình và trí tuệ, những mùa xuân rất riêng chỉ có ở người trí thức. Họ vào Hội khi mái đầu đã hai thứ tóc, khi vốn sống, vốn kiến thức đã đủ nặng bởi cả cuộc đời cống hiến cho nước, cho dân. Hội đặc thù của những nhà khoa học, những trí thức mang tư tưởng tiến bộ hầu hết đã được Đảng và Nhà nước đào tạo, giáo dục và rèn luyện qua các thời kỳ cách mạng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhà trí thức khoa học vẫn miệt mài, vẫn trăn trở, suy tư trước những vấn đề to lớn của đất nước.

Đúng như đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi còn giữ vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đáng giá: “Liên hiệp Hội Hà Nội là một tổ chức chính trị - xã hội, nơi hội tụ của trí thức Thủ đô, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn luôn gắn bó với Đảng bộ và chính quyền Thành phố, kiên định các quan điểm của Đảng và rất tâm huyết với sự nghiệp sáng tạo xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước”.

Thật không dễ hình dung đủ đầy cả một hành trình 35 năm xây dựng và phát triển nhưng tiếng nói, tầm ảnh hưởng của người trí thức, những nhà khoa học thì luôn được khẳng định, hiện hữu ở mọi thời kỳ. Dưới mái nhà chung Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc và hơn 5 vạn hội viên chính là nhân tố quan trọng làm nên những thành tựu của Liên hiệp Hội Hà Nội trong suốt những nhiệm kỳ qua, làm nên danh tiếng người trí thức Thủ đô.

Một hành trình kết nối và lan tỏa

Đứng trong lòng Thủ đô, nơi kết tinh những giá trị văn hoá ngàn đời, với người trí thức đó vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm lớn lao. Là trái tim của cả nước, Thủ đô đã và đang hội nhập bằng những bước đi mạnh mẽ, năng động, sáng tạo và cũng đầy bản lĩnh. Cùng với cơ hội là thách thức. Phải vượt lên bằng nội lực cộng sinh của chính mình. Nội lực ấy là tiềm lực quốc gia, là con người, là tri thức, là nguồn chất xám, là sự tổng hoà các mối quan hệ mà lợi ích quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên đầu.

Và trong điều kiện ấy, trí thức Thủ đô đã nhập cuộc bằng chính sự nhập tâm với xác định rằng, phải cống hiến và cống hiến ngày một nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Ai làm chủ công nghệ, ai thực hiện tốt nhất vai trò chuyển giao công nghệ thì vai trò của phản biện xã hội càng phải được phát huy...? Đó là nhiệm vụ, là trọng trách của đội ngũ trí thức. Đội ngũ các nhà khoa học trong tổ chức Liên hiệp Hội Hà Nội - một trong những chủ thể quan trọng của những hoạt động thúc đẩy Thủ đô vận động phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Chúng ta đang sống trong thời đại của tri thức, hướng đến xây dựng nền kinh tế tri thức vì vậy phải ưu tiên vấn đề tri thức lên đầu. Mà gốc gác, chủ thể tri thức phải được bắt đầu từ tư duy của những trí thức, những nhà khoa học.

Ba mươi lăm năm qua, người trí thức chưa một ngày ngơi nghỉ trước sứ mệnh của mình. Tiếp tục hành trình kết nối và lan tỏa, từ năm 2011, với việc xác định công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là một trong những chức năng hàng đầu của Liên hiệp Hội Hà Nội và các hội thành viên, hướng vào việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của TW và Thành phố, thông tin về những tiến bộ mới của nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống chăm lo sức khoẻ cộng đồng.

Liên hiệp Hội Hà Nội và các Hội thành viên, đơn vị khoa học công nghệ tích cực phổ biến kiến thức khoa học trên các phương tiện truyền thông VTV, HTV, O2TV, VCTV,VOV….. trên các tạp chí và báo viết của Hà Nội và Trung ương. Các chương trình giáo dục truyền thông đảm bảo tính khoa học và phổ cập cao cho hội viên và cộng đồng, tổ chức Hội thảo và tọa đàm về khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ cao trong công nghiệp, y tế, đời sống và thương mại dịch vụ như là “Công nghệ chế tạo gốm sứ sạch Na son”, “Công nghệ sản xuất và chế biến gạo hữu cơ”…

Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội, các Hội thành viên hàng năm mở hàng trăm lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho Hội viên của các Hội, các thầy giáo, học sinh và nông dân cho các huyện ngoại thành về y học, công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, kiến thức toán học, vật lý, tiết kiệm sử dụng điện năng… Tập huấn chuyên môn về chẩn trị các bệnh cho hàng nghìn hội viên. Tổ chức các lớp huấn luyện kỹ thuật, tham gia chương trình dạy nghề cho nông dân, đã mở các lớp dạy nghề: “Làm vườn - Sinh vật cảnh” tại huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì,Thạch Thất, Quốc oai, thị xã Sơn Tây… Tổ chức các cuộc phổ biến, hướng dẫn cho các Hội làm vườn các huyện (Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức) về ứng dụng công nghệ vi sinh vật hữu hiệu để xử lý môi trường nông thôn và sản xuất nông nghiệp.

Trong hành trình phát triển 35 năm qua của Liên hiệp Hội Hà Nội, một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc được chỉ rõ: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là chức năng quan trọng nhất của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên. Làm tốt chức năng này là nâng cao vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội trong hệ thống chính trị của Thành phố.

Ghi nhận, trước khi có quyết định của UBND Thành phố về Quy chế “Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội” của Liên hiệp Hội. Liên hiệp Hội Hà Nội và các Hội thành viên đã thực hiện tốt “Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội” có nhiều ý kiến đóng góp cho Thành phố và các ngành trong việc xây dựng và thực hiện các Dự án Luật trình Quốc hội, các Dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng và một số Nghị quyết của Trung ương Đảng, các đề án và chương trình của Thành phố.

Đề án “Quy chế tư vấn phản biện và giám định xã hội” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã được UBND Thành phố ra quyết định phê duyệt số 71/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013. Liên hiệp Hội đã tổ chức Hội nghị BCH Liên hiệp Hội và các Hội thành viên thảo luận quán triệt và thực hiện Quyết định về việc ban hành Quy định tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/ TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị Quyết định ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Những văn bản trên đây chính là cơ sở pháp lý đảm bảo cho các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên.

Liên hiệp Hội còn chủ động cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, tham gia với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự án “Luật Thủ đô”; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị, tham gia với các cơ quan đóng góp ý kiến vào Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật xây dựng, Luật nhà ở; tham gia đóng góp ý kiến vào Dự luật Tiết kiệm năng lượng; Toạ đàm đóng góp ý kiến về Thuế Bảo vệ môi trường; đóng góp ý kiến vào các Dự án Luật Đo lường, Luật Giáo dục Đại học, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; Tổ chức Hội thảo Trí thức Thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam; Hội thảo “Quy hoạch đô thị và an toàn giao thông”… Đồng thời, Liên hiệp Hội huy động trí thức của Liên hiệp Hội cùng tham gia Hội nghị của Ủy ban MTTQ Thành phố đóng góp ý kiến vào nhiều chương trình, đề án của UBND trước khi đưa ra HĐND Thành phố thảo luận và quyết định; tham gia cùng với Sở KH&CN về Chương trình khoa học và công nghệ hàng năm, đặc biệt là Chương trình trọng điểm và sản phẩm trọng điểm của Thành phố đến năm 2025.

Phản biện là sở trường, là lợi thế đặc biệt của lực lượng trí thức, nhất là trí thức khoa học công nghệ. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Thủ đô những năm qua đã có đóng góp cho Thủ đô ở nhiều bình diện bằng những ý kiến xác đáng, những tâm huyết của người làm khoa học…

Hà Nội là nơi tập trung khoảng 70% các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ của cả nước và cũng là nơi đã ban hành nhiều văn bản, chính sách đi trước cả nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Có thể thấy, hoạt động KH&CN có vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn đạt ở mức khá hàng năm.

Trí thức đi đầu trong việc truyền bá, phổ biến những tinh hoa tri thức của nhân loại, góp phần thiết thực nâng cao dân trí, áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Trong 5 năm qua, phát huy vai trò của những trí thức khoa học công nghệ, nhiều đề tài cấp Nhà nước được quan tâm thực hiện; Liên hiệp Hội Hà Nội đã có hàng trăm đề tài cấp Bộ, hàng nghìn đề tài cấp cơ sở; đưa nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu giáo dục Giá trị sống cho học sinh tiểu học Hà Nội trong giai đoạn hiện nay”, “Xây dựng văn hóa nhà trường phổ thông của Hà Nội trong giai đoạn hội nhập đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện” của Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội; với đề tài “Xây dựng mô hình Hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học”, Hội đã giành giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam 2013. Hay các đề tài “Nhận diện, bảo tồn các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986”, tổng kết 10 năm khu đô thị mới Hà Nội; Nghiên cứu phát triển mô hình nhà ở sinh thái; Vấn đề biến động dân cư trong quá trình đô thị hóa; Phát triển khu trung tâm cho khu đô thị mới của Hà Nội" của Hội Quy hoạch phát triển đô thị.

Hay Trung tâm Vật liệu mới với đề tài độc lập cấp Bộ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh C-PEEK”; Liên kết với Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Metech Việt nam, đầu tư chế tạo chế phẩm mới Meipag - 20 dùng trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành; Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ y học cổ truyền chuyển giao thiết bị máy đo kinh lạc cho 10 cơ sở Đông y trong cả nước; Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học về vắc xin phòng dại “Đánh giá an toàn và hiệu lực bảo vệ của vắc xin dại tế bào Abhayrate theo phác đồ tiêm trong da trên người tình nguyện; Hội Cơ khí Hà Nội “Nghiên cứu chế tạo vật liệu tricolorphoto và bột điện tử micro-nano để chế tạo đèn huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng” đã chuyển giao cho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông; Triển khai đề tài “Áp dụng mô hình toán học và dự báo dịch sốt xuất huyết Dengue tại Hà Nội”…

Ngoài ra Liên hiệp Hội và các Hội thành viên còn thực hiện và tham gia các đề tài cho các địa phương khác như công trình xử lý nước thải bệnh viện và ứng dụng các bon sinh học trong giải phẫu cho ngành y tế của các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Yên Bái…

Một trong những hoạt động nổi bật, niềm tự hào của Liên hiệp Hội là thường xuyên hàng năm Liên hiệp Hội và các Hội thành viên triển khai hoạt động giải thưởng, hội thi,... nhằm động viên khuyến khích phát triển sản xuất, sáng tạo của các nhà khoa học, các trí thức trẻ, các doanh nghiệp, doanh nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân.

Giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam đã trở thành một "thương hiệu" của Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, ngoài công tác vận động các cơ sở tham gia, mỗi năm riêng Liên hiệp Hội đều có từ 3-6 giải thưởng, chiếm trên 10% tổng giải thưởng toàn quốc. Từ năm 2011-2016, Liên hiệp Hội Hà Hội đã đạt được 18 giải thưởng; Liên hiệp Hội Hà Nội đã được Bộ KH&CN trao cớ xuất sắc trong việc vận động tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo định kỳ 2 năm, Liên hiệp Hội tham gia cùng với Sở KH&CN Hà Nội, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc của thanh thiếu niên nhi đồng, Hội thi sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam, trong các cuộc thi Liên hiệp Hội đều được nhiều giải thưởng. Các hội thành viên như Hội Toán học, Hội Cơ học, Hội Vật lý thường niên tổ chức Thi Olimpic trong nước cho học sinh của mỗi chuyên ngành, có năm vinh dự được dẫn đoàn đi dự thi quốc tế.

Trên tinh thần liên kết để sáng tạo, lan tỏa, mở rộng quan hệ để phát triển, ngay từ ngày đầu thành lập, Liên hiệp Hội đã rất quan tâm đến công tác đối ngoại. Trong những năm gần đây, công tác liên kết của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đã được triển khai rộng khắp giúp cho LHH và các Hội thành viên có thêm nguồn lực, kinh nghiệm phát huy vai trò của trí thức Thủ đô. Liên hiệp Hội đã có nhiều hoạt động liên kết với với các đơn vị ký kết thoả thuận Chương trình hợp tác với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hội trí thức trẻ Việt Nam. Hội các ngành sinh học Hà Nội Phối hợp với Trung tâm APNAN của Thái Lan đưa 4 doanh nghiệp Việt Nam sang Thái lan học tập và tiếp thu công nghệ vi sinh vật hữu hiệu (EM). Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phối hợp với Hội phát triển Tâm lý giáo dục Đông Nam Á (ADPASE) của Pháp để phát triển tâm lý học đường trong các trường học, phối hợp với Hội Giao lưu Việt Hàn hỗ trợ chương trình đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên mầm non; phối hợp với các tổ chức phi chính phủ của Trung ương và Hà Nội để hỗ trợ nguồn lực và kinh nghiệm để Hội tham gia chương trình phát triển xã hội. Phối hợp với Hiệp Hội Montestori quốc tế tổ chức bồi dưỡng phương pháp giáo dục mầm non cho 150 giáo viên mầm non Hà Nội…

Song song với các hoạt động trên, công tác điều hành phối hợp với các Hội thành viên; công tác thi đua luôn được Liên hiệp Hội triển khai thực hiện nghiêm túc, coi các mặt công tác này vừa là nhiệm vụ, vừa là phương tiện thúc đấy mọi hoạt động của Liên hiệp Hội. Tổng kết phong trào thi đua năm 2016 – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Liên hiệp Hội lần thứ VII, Liên hiệp Hội Hà Nội đã được Chính phủ trao tặng cờ thi đua xuất sắc, Hội Đông y, Hội Đúc Luyện kim được tặng cờ của UBND Thành phố và Liên hịệp Hội Việt Nam. UBND Thành phố tặng bằng khen 01tập thể và 02 cá nhân, Liên hiệp Hội Việt Nam cấp bằng khen cho 04 tập thể. Thành phố Hà Nội đã tặng danh hiệu Người tốt việc tốt tiêu biểu cho 03 cá nhân...

Song hành cùng lịch sử dân tộc hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, không phải chỉ đến hôm nay đội ngũ trí thức mới dành tâm huyết cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Lịch sử đã chứng minh, tiến trình phát triển của một đất nước, một nền khoa học hay một hành trình văn hoá, luôn có mặt và sự đóng góp quan trọng của giới trí thức và các nhà khoa học. Trong sự vận động không ngừng của xã hội, tuỳ vào thời cuộc mà sự nhập thế và dấn thân của trí thức có thể mỗi lúc không giống nhau. Trí thức Việt Nam, trí thức Thủ đô cũng không là ngoại lệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Đặc biệt, đối với một Chính phủ kiến tạo, minh bạch, hành động, liêm chính, phục vụ người dân thì càng cần có ý kiến của các nhà khoa học và của nhân dân, càng phải phản biện mạnh mẽ, càng phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa quản lý Nhà nước và vai trò của các hiệp hội, đặc biệt là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Ba mươi lăm năm xây dựng, phát triển, trải qua 7 kỳ đại hội, bằng trí tuệ tập thể, bản lĩnh, sự sáng tạo, hơn 5 vạn trái tim yêu nước đã đoàn kết, tập hợp nhau dưới mái nhà chung Liên hiệp Hội, đã có nhiều hoạt động hiệu quả góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.

Phải hết sức coi trọng và tranh thủ sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong Liên hiệp Hội và các Hội thành viên, luôn luôn quan tâm bám sát và phục vụ tích cực các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội của Thành phố, giữ vững nếp sinh hoạt và làm việc tập thể của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên, tăng cường sự phối hợp của Hội thành viên với các Sở, Ban ngành của Thành phố… đây là bài học kinh nghiệm để Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phát triển xứng tầm là một Liên hiệp Hội của Thủ đô, đơn vị nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội, phát triển đúng với tinh thần: Đoàn kết - Trí tuệ - Sáng tạo - Phát triển.

GS.TS Vũ Hoan 

Nguồn: husta.org.vn